Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (Hiệp định EVFTA)
Vào tháng 10/2010, Thủ
tướng Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch EU đã đồng ý khởi động đàm phán Hiệp định
EVFTA; tháng 6/2012, hai bên chính thức tuyên bố khởi động đàm phán
EVFTA. Sau gần 3 năm đàm phán, với 14 phiên chính thức và nhiều phiên bản giữa
kỳ cấp Bộ trưởng, cấp Trưởng đoàn và các Nhóm kỹ thuật đến ngày 2/12/2015, Lãnh
đạo Cấp cao hai bên đã tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định.
Tháng 6/2018, chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA
thành hai Hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và
Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA); chính thức kết thúc toàn bộ quá trình rà soát
pháp lý Hiệp định EVFTA và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định IPA.
Ngày 30/6/2019, Lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ
đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) đã chính thức được
thực hiện, kết thúc quá trình đàm phán kéo dài 9 năm.
Sau khi được ký kết, hai hiệp định EVFTA và EVIPA sẽ được
trình lên Nghị viện châu Âu (EP) và Nghị viện của 28 nước thành viên bỏ phiếu
thông qua. Hiện nay, hai bên đang nổ lực đẩy nhanh các thủ tục
cuối cùng để sơm ký kết và phê chuẩn Hiệp định.
EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích lớn cho kinh tế
Việt Nam, mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và cộng đồng các nước châu Âu góp phần đẩy mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài
(FDI) từ EU vào Việt Nam với dòng vốn chất lượng cao, các nhà đầu tư lớn và đặc
biệt là hiện thực hoá các tiêu chuẩn thể chế kinh tế hiện đại của thế giới.
Theo cam kết trong EVFTA, các nước EU sẽ xóa
bỏ 85,6% dòng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Việt Nam, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU ngay khi hiệp định có hiệu lực. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan và thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Đối với hàng hóa từ EU nhập
khẩu vào Việt Nam, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan với 48,5% số dòng thuế
(chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu) ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 7 năm,
91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam
xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng
thuế, chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu. Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại
của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp
dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO./.